Định nghĩa về Kỳ thị phân biệt đối xử và những nguyên nhân bắt nguồn cho vấn đề này đang được nhiều bạn quan tâm. Chúng tôi tổng hợp định nghĩa và nguyên nhân điển hình sau: 

  1. Thế nào là  kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS

Kỳ thị là thái độ làm mất thể diện hoặc không tôn trọng một cách thiếu căn cứ đối với một cá nhân hoặc một nhóm người nào đó. Kỳ thị có thể dẫn đến những định kiến, hành vi hoặc hành động làm tổn thương người khác. Với những người nhiễm HIV/AIDS, đó là sự coi thường, xa lánh, từ chối và trừng phạt họ. Kỳ thị hình thành trên cơ sở xã hội do đó cần có những giải pháp mang tính xã hội để chống lại nó nhằm thay đổi thái độ và hành vi.

 

Theo Luật Phòng, chống HIV/AIDS:

–  “4. Kỳ thị người nhiễm HIV là thái độ khinh thường hay thiếu tôn trọng người khác vì biết hoặc nghi ngờ người đó nhiễm HIV hoặc vì người đó có quan hệ gần gũi với người nhiễm HIV hoặc bị nghi ngờ nhiễm HIV.”

–  “5. Phân biệt đối xử với người nhiễm HIV là hành vi xa lánh, từ chối, tách biệt, ngược đãi, phỉ báng, có thành kiến hoặc hạn chế quyền của người khác vì biết hoặc nghi ngờ người đó nhiễm HIV hoặc vì người đó có quan hệ gần gũi với người nhiễm HIV hoặc bị nghi ngờ nhiễm HIV”

 

Phân biệt đối xử là các hành động hoặc hành vi nhằm phân biệt một cá nhân hoặc một nhóm người đưa đến những hành động, hành vi trừng phạt hoặc phỉ báng người bị kỳ thị. Phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS là bất cứ một hành vi, hành động phân biệt, trường phạt, phỉ báng, hạn chế quyền của người nhiễm hoặc người liên quan chịu ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Kỳ thị nói về thái độ, còn phân biệt đối xử nói về hành vi hoặc hành động cụ thể đối với người nhiễm HIV hoặc người liên quan đến HIV/AIDS. Phân biệt đối xử là hệ quả của sự kỳ thị.

 

2   Biểu hiện cụ thể của kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV

Mặc dù đã có nhiều tiến bộ trong việc giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS, tuy vậy ở nhiều nơi trên thế giới cũng như ở Việt Nam hiện nay, sự kỳ thị và phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi và biểu hiện công khai hoặc ngấm ngầm, thô bạo hoặc tế nhị, ở nhiều hoàn cảnh khác nhau, dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau.

  • Tại các cơ sở y tế :

–  Miễn cưỡng khi tiếp xúc với người nhiễm HIV/AIDS, hoặc bắt phải chờ đợi lâu, hẹn đến khám bệnh vào lúc khác;

–  Đùn đẩy bệnh nhân AIDS giữa các khoa, giữa các bệnh viện;

–  Xét nghiệm phát hiện HIV trước phẫu thuật, trước khi sinh… mà không có ý kiến của bệnh nhân;

–  Từ chối điều trị HIV/AIDS theo chế độ bảo hiểm y tế…;

  • Tại nơi học tập, làm việc:

–  Xa lánh, ngại tiếp xúc, không muốn làm việc, học tập cùng người nhiễm HIV;

–  Lấy máu xét nghiệm HIV khi tuyển dụng hoặc trong quá trình lao động, học tập;

–  Tuỳ tiện thay đổi công việc của người lao động bị nhiễm HIV; Thuyết phục, gây sức ép, tạo cớ… để người nhiễm HIV xin nghỉ việc hay học sinh, sinh viên nghỉ học, thôi học;

–  Bắt buộc thôi việc, thôi học với lý do không chính đáng …

  • Tại cộng đồng (địa phương):

–  Cấm hoặc hạn chế con cái, người thân, họ hàng tiếp xúc với người nhiễm HIV/AIDS;

–  Không muốn hoặc cấm người nhiễm HIV dùng chung các vật dụng sinh họat hoặc sử dụng chung nhà vệ sinh công cộng, nhà ăn tập thể;

–  Không sử dụng các dịch vụ mà người nhiễm HIV hoặc gia đình họ cung cấp, nhất là dịch vụ ăn uống;

–  Không muốn, không cho tổ chức tang lễ bình thường hoặc không đến dự tang lễ của người nhiễm HIV/AIDS.…

  • Tại nhà (gia đình):

–  Cho người nhiễm HIV ăn, ở riêng hoặc nếu ở chung thì miễn cưỡng giao tiếp với người nhiễm;

–  Hạn chế, cấm đoán người khác trong gia đình tiếp xúc với người nhiễm HIV;

–  Chối bỏ người nhiễm HIV, không cho ở nhà, tìm cách đưa người nhiễm HIV vào các cơ sở tập trung …

  1. Nguyên nhân gây ra kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV

Có nhiều nguyên nhân gây ra kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS, nhưng phổ biến là những nguyên nhân sau đây:

  • Do bản chất của bệnh:

Vì bản chất của kỳ thị và phân biệt đối xử nói chung thường gắn liền với những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khó chữa. Trong khi HIV/AIDS là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm dẫn đến chết người, trong khi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh nên khi nhiễm HIV nghĩa là hết.

  • Do thiếu hiểu biết hoặc hiểu biết không đúng, không đầy đủ về HIV/AIDS:

Nhiều người vẫn cho rằng HIV/AIDS là bệnh rất dễ lây, kể cả qua tiếp xúc thông thường hoặc nhiều người lại cho rằng chỉ có những người tiêm chích ma túy hoặc người mua, bán dâm tức là những người cho là xấu xa mới bị nhiễm HIV/AIDS, họ coi HIV/AIDS là tệ nạn xã hội, nhiễm HIV là có tội, có lỗi.

  • Do một thời gian dài việc truyền thông không đầy đủ hoặc không phù hợp:

Truyền thông quá nhấn mạnh chú trọng đến đường lây truyền mà không giải thích rõ ràng, nhất là đường không lây của HIV. Chúng ta cũng thường hù dọa tạo ra cảnh hãi hùng. Chính việc tuyên truyền như vậy đã khiến mọi người sợ hãi, xa lánh và đó cũng là một trong các nguyên nhân dẫn đến kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS.

 

  1. Những hậu quả do kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV gây ra

Qua các số liệu của nghiên cứu về chỉ số đánh giá mức độ kỳ thị với người nhiễm HIV ở Việt Nam do Mạng lưới người sống với HIV Việt Nam (VNP+) thực hiện cho thấy, người nhiễm HIV đang phải đối mặt với sự kỳ thị và phân biệt đối xử và đây không chỉ là thách thức đối với riêng người nhiễm HIV, khi dịch HIV/AIDS đang ở giai đoạn tập trung, chủ yếu lây truyền ở nhóm tiêm chích ma túy, nam tình dục đồng giới và phụ nữ mại dâm.

–  Do bị kỳ thị và phân biệt đối xử tại nơi làm việc, những người nhiễm HIV bị rơi vào tình trạng thất nghiệp hoặc buộc phải thay đổi công việc thường xuyên, phải thay đổi nơi ở hoặc không thuê được nhà ở, phải vật lộn để bảo đảm kế sinh nhai cho bản thân.

–  Nghiên cứu của Mạng lưới người sống với HIV Việt Nam cũng cho thấy, có khoảng 3% người nhiễm HIV và 4% trẻ em là con của người nhiễm HIV đã bị từ chối không được đi học.

–  Ngoài ra, sự kỳ thị và phân biệt đối xử còn xảy ra ở gia đình, cộng đồng, bạn bè và hàng xóm, như bị vợ, chồng bỏ rơi hoặc người thân trong gia đình ruồng rẫy, bị cộng đồng xã hội tẩy chay, mất công ăn việc làm và tài sản; bị đuổi học, bị từ chối khám sức khỏe tại các cơ sở y tế, thiếu sự chăm sóc và hỗ trợ, thậm chí bị bạo hành.

–  Do sợ bị kỳ thị và phân biệt đối xử, người nhiễm HIV/AIDS dấu diếm tình trạng bệnh tật, mặc cảm, không dám tiếp xúc với cộng đồng, không hợp tác với chương trình phòng chống HIV/AIDS. Cán bộ chuyên môn khó có thể gặp và tư vấn cho họ về kỹ năng phòng và tránh lây HIV/AIDS cho người khác, làm cho người nhiễm HIV/AIDS trở thành “quần thể ẩn”, rất khó tiếp cận, do đó họ khó có thể tiếp nhận thông tin, kỹ năng phòng bệnh và do vậy họ có thể “vô tư” truyền HIV cho người khác.

–  Do thiếu sự thông cảm giúp đỡ của cộng đồng có thể dẫn đến bi quan, chán nản, hoặc sợ hãi không tiết lộ danh tính, không tiếp cận dịch vụ do vậy chương trình phòng, chống HIV/AIDS cũng không tiếp cận được với người nhiễm HIV nên cũng không có được số ca bệnh chính xác, cũng không ước tính và dự báo chính xác được về tình hình dịch. Việc lập kế hoạch dựa trên những thông tin không đầy đủ sẽ chỉ làm lãng phí tiền của và đặc biệt là không ngăn chặn được sự lây lan của HIV.

–  Với các hình thức kỳ thị phổ biến như xì xào, bàn tán, xúc phạm, nhục mạ, thậm chí bị bạo hành về thân thể làm cho người nhiễm HIV cố tình che giấu không tiết lộ tình trạng nhiễm HIV của mình ra ngoài phạm vi gia đình, đặc biệt có tỷ lệ đáng kể người nhiễm HIV không cho chồng, vợ hoặc bạn tình biết họ bị nhiễm HIV.

–  Có thể thấy, sự kỳ thị đối với các hành vi liên quan đến HIV và AIDS có tác động rất lớn đến người nhiễm HIV, có thể khiến họ cảm thấy không an toàn trong xã hội, hình thành tâm lý bị cách ly, cô lập và tình trạng trở nên trầm trọng hơn khi xuất hiện sự tự kỳ thị của chính bản thân người nhiễm HIV.

–  Một vấn đề khác là chúng ta đã bỏ phí một nguồn lực lớn, không phát huy được tiềm năng của người nhiễm HIV. Người nhiễm HIV họ vẫn có thời gian dài khỏe mạnh nên họ vẫn có thể cống hiến cho gia đình và xã hội. Khi bị kỳ thị và phân biệt đối xử, người nhiễm HIV bị tách biệt, không làm việc, không được chăm sóc và như vậy người nhiễm HIV có thể chết sớm do không được chăm sóc để lại vợ, con, bố mẹ già làm tăng tác động của HIV/AIDS đến gia đình, đến kinh tế xã hội của đất nước. Nhiều người nhiễm HIV là những tuyên truyền viên rất hiệu quả nên làm mất đi một lực lượng có hiệu quả trong phòng, chống AIDS.

–  Cuối cùng là kỳ thị và phân biệt đối xử dẫn đến hạn chế một số quyền cơ bản của công dân như quyền được chăm sóc sức khoẻ, làm việc, học hành, tự do đi lại… là những quyền mà người nhiễm HIV được pháp luật bảo vệ. Luật Phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam cũng đã có nhiều điều khoản nghiêm cấm việc kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS.

 

  1. Hành động thiết thực và công tác truyền thông chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS

Các nghiên cứu trên thế giới cũng như tại Việt Nam đã chỉ ra rằng: Kỳ thị và phân biệt đối xử là nguyên nhân làm hạn chế những người có hành vi nguy cơ cao cũng như những người nhiễm HIV/AIDS tiếp cận với các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị nhiễm HIV/AIDS, là rào cản to lớn đối với việc thực hiện đầy đủ các quyền của người nhiễm HIV/AIDS, bao gồm quyền học tập, lao động và sinh hoạt như những người bình thường.

Như vậy có thể thấy rằng, các biện pháp tách biệt, cấm đoán, kỳ thị và phân biệt đối xử không làm hạn chế được dịch HIV/AIDS mà trái lại càng làm cho dịch HIV/AIDS ngày càng trở nên khó kiểm soát hơn.

Do vậy, chúng ta không nên kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS. Để chống sự kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS hiệu quả hơn và có thể cải thiện cuộc sống của người nhiễm HIV ngày càng tốt hơn, cần có sự chung sức của cả cộng đồng thực hiện các hành động cụ thể.

–  Cần bảo đảm tính bảo mật của người nhiễm HIV trong quá trình từ xét nghiệm đến điều trị, đặc biệt là tại các cơ sở y tế và dịch vụ xã hội. Đồng thời, tiến hành nghiên cứu nhằm đưa ra các quy định pháp luật cụ thể để bảo vệ quyền của người nhiễm HIV, cùng với đó là nỗ lực hơn nữa để bảo đảm việc tuân thủ và triển khai thực hiện các chính sách liên quan.

–  Cần có cơ chế để hỗ trợ chính những người nhiễm HIV/AIDS trong việc tìm kiếm trợ giúp pháp lý để giải quyết các vi phạm về quyền của họ như khi bị buộc thôi việc, bị cản trở không được khám chữa bệnh hoặc học tập vì lý do nhiễm HIV.

Ngoài ra, công tác tuyên truyền, giáo dục và huy động sự tham gia của cộng đồng và xã hội cũng rất quan trọng, vì đa số trường hợp kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV bắt nguồn từ trong cộng đồng. Trong đó cần có sự đổi mới về nhiều mặt trong hoạt động tuyên truyền, cụ thể:

–  Cần đổi mới tư duy về truyền thông: chuyển từ truyền thông “hù dọa” sang truyền thông giải thích, dựa trên các cơ sở khoa học và thực tiễn; chuyển từ đưa tin, hình ảnh tiêu cực về người nhiễm HIV sang đưa tin, hình ảnh tích cực về họ, cải thiện hình ảnh, tiến tới bình thường hóa sự có mặt của người nhiễm HIV trong cộng đồng.

–  Cần đổi mới nội dung/thông điệp truyền thông: tập trung vào việc giải thích cho mọi người dân hiểu về khả năng lây truyền của HIV, nhất là làm rõ rằng HIV không lây truyền qua các tiếp xúc thông thường và giải thích tại sao HIV lại không lây truyền qua các tiếp xúc thông thường….; tránh các từ ngữ, lời nói, hình ảnh… có thể gây hiểu nhầm HIV/AIDS cũng là tệ nạn xã hội, người nhiễm HIV là người có lỗi; tăng cường các nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật về HIV/AIDS, trong đó nhấn mạnh các quy định về chống kỳ thị và phân biệt đối xử.

–  Đổi mới phương pháp truyền thông: đa dạng hóa các phương pháp truyền thông; lồng ghép nội dung chống kỳ thị, phân biệt đối xử vào tất cả các hoạt động truyền thông về HIV/AIDS.

Trên cơ sở đổi mới nêu trên, các hoạt động tuyên truyền có thể được phát động và triển khai trong công đồng một cách hiệu quả.

–  Các hoạt động cần bao gồm cả nâng cao nhận thức về HIV, hành vi nguy cơ để giảm bớt sự lo lắng và sợ hãi của cộng đồng, bởi đây đang là nguyên nhân dẫn tới sự kỳ thị của họ đối với HIV/AIDS;

–  Cần thúc đẩy để cộng đồng và xã hội tham gia mạnh mẽ hơn nữa vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, với các biện pháp cụ thể nhằm giúp người nhiễm HIV xây dựng lòng tự tin, giảm kỳ thị và học về các quy định luật pháp liên quan về chống kỳ thị và phân biệt đối xử.

–  Tổ chức nhiều hoạt động truyền thông với sự tham gia của người nhiễm HIV, đồng thời tạo điều kiện cho các nhóm người nhiễm HIV tổ chức các hoạt động truyền thông trong cộng đồng, trong nhà trường, tại nơi làm việc và tuyên truyền quảng bá rộng rãi về các hoạt động này;

–  Huy động sự tham gia ngày càng nhiều của các vị lãnh đạo, các vị chức sắc, và những người có uy tín, những người nổi tiếng được quần chúng mến mộ…vào các hoạt động truyền thông, kết hợp với sự thăm hỏi, động viên… người nhiễm HIV nhân các sự kiện lớn trong năm, nhân dịp Tết… để làm gương cho cộng đồng.

 

Ngoài ra, đối với vấn đề chống kỳ thị và phân biệt đối xử với trẻ em nhiễm HIV, ngoài các biện pháp truyền thông như với người dân trong cộng đồng, cần lưu ý một số biện pháp sau:

–   Tăng cường truyền thông, giải thích cho giáo viên, các phụ huynh học sinh và học sinh về đường không lây truyền của HIV và nguy cơ lây nhiễm HIV trong học tập, sinh hoạt của học sinh trong trường học, khả năng xử lý, hiệu quả xử lý an toàn trong trường hợp có nguy cơ lây nhiễm xảy ra…;

–  Tăng cường truyền thông về các quy định của pháp luật trong việc chống kỳ thị, phân biệt đối xử nói chung và các điều khoản nghiêm cấm phân biệt đối xử với trẻ em trong trường học nói riêng cho các thày cô giáo và cha mẹ học sinh cũng như các em học sinh;

–  Truyền thông về các điều khoản liên quan đến các quyền của trẻ em;

–  Phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, ngành giáo dục, ngành y tế và các đoàn thể quần chúng với hội cha mẹ học sinh khi có vần đề kỳ thị và phân biệt đối xử với trẻ em nhiễm HIV trong trường học tại xã, phường;

–  Vận động các thầy, cô giáo, lãnh đạo ban, ngành, đoàn thể ở địa phương làm gương trong việc không kỳ thị, phân biệt đối xử với trẻ em và đưa trẻ nhiễm HIV đến trường.

Tổng hợp và biên soạn bởi VNP+

Liên kết liên quan

Người nhiễm HIV có nguy cơ mắc Covid-19 cao hơn những người khác không?

  Những người nhiễm HIV có nguy cơ mắc Covid-19 cao hơn người khác hay không vẫn chưa có nghiên cứu cụ thể. Những người có nguy cơ tiến triển nặng và tử vong do

Xem thêm
Xu hướng dịch HIV/AIDS hiện nay – tăng nhanh trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới

    “Chương trình phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam vẫn đang đứng trước rất nhiều thách thức. Đáng chú ý, dịch HIV đang được phát hiện chủ yếu trong nhóm tuổi trẻ, và có

Xem thêm
Thu hẹp khoảng cách tiếp cận dịch vụ dự phòng và hỗ trợ điều trị HIV cho MSM di cư

  Là tên dự án vừa được UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt cho Doanh nghiệp xã hội Kết nối trẻ thực hiện với sự tài trợ từ công ty Gilead Sciences, Hoa Kỳ.  

Xem thêm